Lịch sử Đảng bộ xã Thụy Liễu (1948 – 2013)

IMG_5266

“…Trải qua mấy nghìn năm, vùng đất Thụy Liễu lần lượt thuộc các đơn vị hành chính là bộ Văn Lang (thời Hùng Vương), quận Giao Chỉ (thời nhà Hán), châu Thao Giang – phủ Tam Giang (thời thuộc Minh), phủ Lâm Thao – trấn Sơn Tây (thời nhà Lê)… Đến đầu thế kỷ XIX, địa bàn Thụy Liễu có tên là Thụy Biểu, thuộc tổng Nguyễn Xá, huyện Hoa Khê, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vì kỵ húy nên Hoa Khê đổi tên thành Cẩm Khê. Theo “Đồng Khánh địa dư chí” (1886), huyện Cẩm Khê có 6 tổng với 42 xã, thôn, phường. Địa bàn Thụy Liễu thuộc tổng Phương Xá, huyện Cẩm Khê, phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, chúng đã thay đổi các đơn vị hành chính cũ, huyện Cẩm Khê từ tỉnh Sơn Tây chuyển về thuộc phủ Điện Biên, tỉnh Hưng Hóa. Sau đó, huyện Cẩm Khê tách khỏi phủ Điện Biên nhập vào tiểu khu quân sự Yên Bái (1891) và trở về thuộc tỉnh Hưng Hóa (1892). Năm 1903, tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành Phú Thọ. Cẩm Khê trở thành một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, đơn vị hành chính cấp dưới gồm có 6 tổng, 48 làng.

Từ năm 1903 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Thụy Liễu ngày nay là làng Thụy Biểu, thuộc tổng Vân Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cách mạng tháng Tám thành công, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo kiến quốc và kháng chiến chống thực dân Pháp, đơn vị hành chính cấp phủ và cấp tổng bị bãi bỏ, dưới cấp tỉnh là cấp huyện, dưới huyện là các xã. Tháng 1/1946, thực hiện chủ trương của cấp trên về mở rộng địa giới hành chính cấp xã, 49làng trước đây của Cẩm Khê được sáp nhập thành 9 liên xã. Làng Thụy Biểu sáp nhập với các làng Khổng Tước, Văn Thê, Phượng Vỹ, Vân Bán thành liên xã Phấn Đấu. Thời điểm này, làng Thụy Biểu được đổi tên thành làng Thụy Liễu và hình thành 4 xóm: Ngoài, Trong, Giữa, Chừa.

Tháng 2/1949, làng Thụy Liễu tách ra khỏi liên xã Phấn Đấu, sáp nhập với 2 làng Đồng Kệ và Cam Chú thành một đơn vị hành chính cấp xã lấy tên là xã Thụy Ứng, thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Sau thời điểm thành lập xã Thụy Ứng, làng Thụy Liễu vẫn gồm 4 xóm.

Từ năm 1948 đến năm 1953, hưởng ứng phong trào khai hoang phục hóa, mở rộng sản xuất do huyện phát động, một số hộ dân ở làng Thụy Liễu đã đi khai hoang, lập trại và thành lập các xóm mới lấy tên là Phai Chi, Chùa Đá. Như vậy, đến năm 1953, địa bàn Thụy Liễu đã hình thành 6 xóm.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ngày càng gần thắng lợi cuối cùng. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, tỉnh Phú Thọ quyết định điều chỉnh địa dư hành chính các xã của huyện Cẩm Khê. Ngày 10/10/1953, xã Thụy Ứng được tách thành 2 xã mới là Thụy Ứng (gồm làng Thụy Liễu) và Đồng Cam (gồm làng Đồng Kệ và Cam Chú). Năm 1964, thực hiện Quyết định của Bộ Nội vụ, xã Thụy Ứng được đổi tên thành xã Thụy Liễu, thuộc huyện Cẩm Khê và ổn định tên gọi đến nay.

Ngày 26/1/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Thụy Liễu trở thành đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phú. Từ năm 1977 đến năm 2002, huyện Cẩm Khê đã nhiều lần thay đổi về quy mô do thực hiện chủ trương sáp nhập và tách huyện của Chính phủ. Tên huyện trong giai đoạn này được đổi thành huyện Sông Thao. Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Phú Thọ chính thức được tái lập từ ngày 1/1/1997. Xã Thụy Liễu trực thuộc huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Ngày 8/4/2002, huyện Sông Thao được đổi tên thành huyện Cẩm Khê, xã Thụy Liễu trở thành đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cẩm Khê…”

Bài khác