Lịch sử Đảng bộ phường Lam Sơn (1930 – 2010)

IMG_5247

“…Nằm ở vị trí địa lý tương đối thuận lợi, địa hình bằng phẳng, khí hậu ấm áp, phường Lam Sơn có những điều kiện tốt để con người định cư, sinh sống và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ sớm. Căn cứ vào một số tài liệu còn lưu trữ được, địa bàn phường Lam Sơn thuở xưa chính là Đằng Man trang, 1 trong 4 trang trại đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Khi chưa có người khai phá, nơi đây chỉ là những bãi sậy um tùm. Trong quá trình khai hoang, mở đất, những cư dân đầu tiên đã phá bãi lau sậy để lập trang trại và từng bước hình thành các làng chạ về phía Đằng Châu, Cao Xá, phía sông Xích Đằng. Qua thời gian, các thế hệ người dân trên địa bàn không ngừng đoàn kết chinh phục và cải tạo tự nhiên, biến vùng lau sậy hoang vu thành vùng đất trù phú.

Đầu thế kỷ thứ X, địa bàn phường Lam Sơn ngày nay thuộc đất Đằng Châu do Hào trưởng Phạm Bạch Hổ cai quản. Sách Việt điện u linh cũng chép: “Xưa vua Lê Ngọa Triều (tức Lê Long Đĩnh) khi chưa lên ngôi có thực ấp ở Đằng Châu, thường bơi thuyền dạo chơi”. Thế kỷ thứ XI, vùng đất phường Lam Sơn là thực ấp của Lý Công Uẩn.

Dưới thời nhà Trần, một số kiều dân Trung Quốc tị nạn đã kéo sang Việt Nam, đồng thời một số người Việt từ nhiều địa phương khác nhau cũng đến đây sinh sống, buôn bán và làm ăn. Một số thương nhân người Hoa đã chọn khu vực Xích Đằng làm nơi cư ngụ. Từ rất sớm, thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã có những mối liên hệ với các cảng Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An).

Trong 2 thế kỷ XVII – XVIII, các quan hệ thương mại giữa Phố Hiến và vùng Sơn Nam với các phố cảng Đàng Trong thông qua khách buôn nước ngoài được tăng cường. Mạch máu giao thương của Phố Hiến là sông Xích Đằng – đoạn sông Nhĩ Hà (sông Hồng) chảy sát Phố Hiến. Phố Hiến đã bắt nhịp với các trung tâm giao thương quốc tế ở biển Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng như với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Bến cảng Phố Hiến là nơi các tàu thuyền ngoại quốc lưu đỗ làm thủ tục kiểm soát và xin giấy phép đi tiếp tới kinh đô. Tại khu vực bến cảng hình thành nên các chợ, buôn bán tương đối sầm uất, trong đó có chợ Vạn ở bến Xích Đằng. “Trăm cảnh, ngàn cảnh không bằng bến Lảnh đò Mây”, thời kỳ này, khu vực bến đò Mây trên địa bàn phường là nơi buôn bán sầm uất nổi tiếng, là Thượng tam Đằng (Đằng Vạn, Đằng Châu, Đằng Xích – các thôn Kim Đằng, Đằng Châu, Xích Đằng). Các thương nhân nước ngoài còn lập thương điếm, kho chứa hàng tại khu vực Văn miếu Xích Đằng bên cạnh đồn thuế chính.

Tháng 10/1831, vua Minh Mạng tổ chức cải cách hành chính lớn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo đó xóa bỏ các đơn vị tổng, trấn và chia cả nước thành 30 tỉnh. Tỉnh Hưng Yên được thành lập, lỵ sở đóng tại Xích Đằng.

Trước Cách mạng tháng Tám, địa bàn phường Lam Sơn có khoảng 800 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu sinh sống ở 4 xã: Cao Xá, Kim Đằng, Đằng Châu, Xích Đằng thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Xã Cao Xá gồm 4 xóm Cao Xá, Cao Đường, Cao Phụ, Trung Hà. Xã Kim Đằng gồm 4 xóm Đằng Man, Đằng Vạn, Quán Tiêu, Quán Tưởng. Xã Đằng Châu gồm xóm Đình và xóm Bãi. Xã Xích Đằng gồm 4 xóm: Đền Quan, Trong Làng, Văn Miếu, Bãi Già. Cách mạng tháng Tám thành công, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo kiến quốc và kháng chiến chống Pháp, theo sắc của Chính phủ, đơn vị hành chính cấp phủ và cấp tổng bị bãi bỏ, dưới cấp tỉnh là cấp huyện, dưới cấp huyện là cấp xã. Đầu năm 1946, 4 xã Cao Xá, Kim Đằng, Đằng Châu, Xích Đằng sáp nhập thành một xã mới lấy tên là xã Đằng Trấn. Cao Xá, Kim Đằng, Đằng Châu, Xích Đằng trở thành đơn vị cấp thôn thuộc xã Đằng Trấn, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Tháng 8/1948, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn, lấy tên các địa danh lịch sử đặt tên cho xã, 2 xã Đằng Trấn và An Tảo sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là xã Lam Sơn. Xã Lam Sơn tại thời điểm này gồm 5 thôn: Cao Xá, Kim Đằng, Đằng Châu, Xích Đằng và An Tảo.

Năm 1955, song song với quá trình thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, Huyện ủy Kim Động chỉ đạo điều chỉnh địa giới một số xã cho phù hợp với tình hình mới. Thôn Hoàng Xá (trước thuộc xã Phú Cường) chuyển về xã Lam Sơn, đồng thời thôn An Tảo được chuyển về xã Hiến Nam, xóm Trung Hà chuyển về xã Hùng Cường.

Năm 1968, 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, lỵ sở tỉnh mới đặt ở thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương). Xã Lam Sơn thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hải Hưng. Năm 1979, huyện Kim Động sáp nhập với huyện Ân Thi thành huyện Kim Thi, xã Lam Sơn trở thành đơn vị hành chính thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng.

Ngày 4/1/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 02-HĐBT về việc mở rộng thị xã Hưng Yên thuộc tỉnh Hải Hưng. Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân cư xã Lam Sơn được sáp nhập vào thị xã Hưng Yên. Đến đầu năm 1997, thực hiện Nghị định số 17-CP ngày 24/2/1997 của Chính phủ thành lập một số phường thuộc thị xã Hưng Yên và huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, phường Lam Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Lam Sơn.

Ngày 19/1/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành Nghị định 04/NĐ-CP thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Phường Lam Sơn trở thành đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hưng Yên…”

Bài khác