Lịch sử ra đời Ngày Thương Binh, Liệt sỹ toàn quốc

1_49304

Những ngày tháng lịch sử hào hùng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bội ước, quay lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân trong cả nước đã anh dũng chiến đấu chống lại những cuộc càn quét của kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, hàng trăm chiến sỹ đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, nhiều tổ chức, hội giúp đỡ các thương binh, liệt sỹ ra đời, tiêu biểu là Hội giúp binh sỹ bị nạn. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sỹ bị nạn (sau đổi thành Hội giúp binh sỹ bị thương) ra đời ở Thuận Hóa (Huế), sau đó lan rộng ra Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự. Chiều ngày 28/5/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội đã
tổ chức một cuộc diễn thuyết kêu gọi nhân dân gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện gia đình. Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sỹ” đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức buổi lễ “Mùa đông binh sỹ” với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã cởi chiếc áo len đang mặc trên người để tặng lại các chiến sỹ. Sau đó, chiếc áo len này được Ban Vận động ủng hộ “Mùa đông binh sỹ” Hà Nội tổ chức đấu giá tại Nhà hát Lớn với sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để phổ biến công tác này trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập. Tháng 6/1947, từ Phủ Chủ tịch ở “Thủ đô gió ngàn” (đồi Khau Tý, ATK Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày
Thương binh”
. Tiếp đó ngày 10/7/1947, cơ quan Thương binh và cựu binh (sau đổi là Bộ Thương binh) được thành lập.

Đầu tháng 7/1947, Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập. Đồng chí Lê Thành Ân – Nguyên Phó Phòng Thương binh Cục Chính trị nhớ lại: Hội nghị thành lập diễn ra tại Phú Minh (xã Phú Thịnh) với sự tham gia của 20 người, do đồng chí Lê Tất Đắc – Cục phó Cục Chính trị chủ trì và sự có mặt của các đồng chí Trần Huy Liệu (Tổng bộ Việt Minh), đồng chí Hoàng Tuấn (Nha Thông tin), đồng chí
Nguyệt Tú (vợ đồng chí Lê Quang Đạo – đại diện Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc), Trung ương Đoàn có đồng chí Đào Duy Kỳ… Sau khi họp bàn, Hội nghị nhất trí đề
nghị lên Trung ương lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh”.

Chiều 27/7/1947, tại cây đa xóm Bàn Cờ, một cuộc mít tinh đơn giản theo hoàn cảnh kháng chiến nhưng trang nghiêm được tổ chức nhằm kỷ niệm “Ngày Thương binh” lần thứ nhất. Mặc dù gần 70 năm trôi qua nhưng hình ảnh về lễ kỷ niệm “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” vẫn hiện rõ trong tâm trí những người từng tham dự. Tới dự buổi lễ có khoảng 300 đại biểu của Trung ương Đảng, các cơ quan lãnh đạo khu, cơ quan kháng chiến huyện và đông đảo anh em thương binh, bộ đội. Sau khi tuyên bố lý do, Ban tổ chức cuộc mít tinh trịnh trọng đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gửi anh em
thương binh toàn quốc nhân ngày 27/7.

Trong thư, Người viết: “… Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì
lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sỹ bị thương.

Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh. Nhưng tôi e trong lúc thi hành, hăng hái quá, vậy tôi xin đề nghị:

1. Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đau yếu thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn 1 bữa.

2. Đó là một việc nghĩa, mọi người tự nguyện làm, tuyệt đối không cưỡng bức.

3. Các làng, huyện, tỉnh, khu phải thiết thực báo cáo kết quả lên Ban Thường trực toàn quốc. Nơi nào 100 phần trăm nhân dân tham gia thì Ban Thường trực sẽ đăng báo khen. Kết quả cũng phải tính số tập trung về Ban Thường trực toàn quốc để phân phối cho khắp.

4. Hôm đó tuy các giới, các tổ chức đều hăng hái tham gia đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc. Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày Thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ)”.

Từ đó, hàng năm đến ngày 27/7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ”của cả nước.

 

Bài khác