Hội thảo khoa học Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Quân Chu (giai đoạn 1967 – 2013)

TT Quan Chu

Sau 8 tháng tích cực triển khai sưu tầm các nguồn tư liệu, nghiên cứu biên soạn và tổ chức tọa đàm các sự kiện theo từng giai đoạn lịch sử, ngày 6/7/2013 sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Quân Chu (giai đoạn 1967 – 2013). Dưới đây, Công ty Văn hóa Việt xin trích dẫn nội dung trong phần khái quát “Thị trấn Quân Chu – Quê hương và con người” đến quý độc giả quan tâm và cho ý kiến đóng góp quý báu, làm cơ sở để Công ty hoàn thiện nội dung bản thảo trước khi in ấn, phát hành:

“Từ Hà Nội theo Quốc lộ 3, đến ngã tư thị trấn Ba Hàng (huyện Phổ Yên) rẽ vào tỉnh lộ DT261 khoảng 25km thì tới thị trấn Quân Chu. Thị trấn là một trong 31 đơn vị hành chính của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm huyện 21km về phía Bắc, phía Đông giáp 2 xã Phúc Tân và Phúc Thuận (huyện Phổ Yên), phía Tây giáp 2 xã Quân Chu và Cát Nê, phía Nam giáp 2 xã Quân Chu và Phúc Thuận (huyện Phổ Yên) và phía Bắc giáp xã Cát Nê. Do mối liên hệ mật thiết và có nhiều đặc thù trong lịch sử, hiện nay một phần địa giới của xã Quân Chu vẫn nằm xen giữa các xóm Nhà máy, xóm 4, xóm Công trình, xóm 9, xóm 2 và xóm Khe Cua 2 của thị trấn Quân Chu.

Tuyến tỉnh lộ DT261 có chiều dài 7km, qua địa bàn xóm Nhà máy, xóm 4, xóm Công trình, xóm 9 và xóm 3. Trước đây, tỉnh lộ này là đường 38 do thực dân Pháp xây dựng để phục vụ mục đích quân sự, chạy từ km 31 quốc lộ 3 qua huyện Phổ Yên, gặp địa giới huyện Đại Từ ở thị trấn Quân Chu, qua Cát Nê lên thị trấn Đại Từ, theo đường 13 lên Bản Ngoại để đi Quảng Nạp, Minh Tiến.

Từ khi có nông trường Bắc Sơn (năm 1957), sau đó là nông trường chè Quân Chu (năm 1966), đường mòn nội vùng và các tuyến đường liên xã từng bước được quan tâm cải tạo. Hiện nay, tuyến đường liên xã đang thi công trải nhựa dài 5km từ xóm Thậm Thình (xã Cát Nê) qua xóm 2, xóm 6, xóm Khe Cua 1 xuống 2 xóm 8A và 8B và một đường nhánh dài 2km chạy từ xóm 2 ra xóm 3, đều nối với tỉnh lộ DT261. Một số tuyến đường liên thôn đã phần nào được bê tông hóa. Hầm đường bộ xuyên sơn Tam Đảo – một phần của dự án đường vành đai 5 Hà Nội đang được nghiên cứu xây dựng dự kiến đi qua thị trấn Quân Chu sẽ giúp cho việc thông thương kinh tế, văn hóa với tỉnh Vĩnh Phúc được thuận lợi hơn. Về cơ bản, hệ thống giao thông trên địa bàn tương đối thuận lợi cho đi lại và trao đổi buôn bán, song chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy đã được trải nhựa nhưng tỉnh lộ DT261 đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi các đường liên xóm chủ yếu vẫn là đường đá cấp phối, đường đất.

Địa hình thiên tạo của thị trấn bị chia cắt bởi dãy núi Khuôn Gà, suối Đền (suối Quân Chu) và các khe suối, khe lạch nhỏ. Núi Khuôn Gà chạy dọc theo địa bàn từ xóm 2, qua xóm Khe Cua 2, thấp dần về phía Đông Nam và kết thúc ở xóm 8B. Nằm án ngữ ở phía Bắc và Đông Nam là dãy núi Thằn Lằn. Phía Tây và Tây Nam là dãy Tam Đảo sừng sững với độ cao trung bình từ 300 – 600m, ranh giới tự nhiên giữa huyện Đại Từ và các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc, cũng là nơi khởi nguồn của hầu hết các hệ thủy lưu nhỏ chảy về thị trấn Quân Chu.

Địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, lại là vùng có lượng mưa khá lớn đã tạo nên trên địa bàn thị trấn nhiều khe lạch, sông suối nhỏ. Hướng chảy của sông suối, khe lạch chủ yếu dựa theo địa hình của đồi núi. Từ dãy núi Tam Đảo, suối Đền chảy vào địa phận xóm 9, vòng theo chân núi Khuôn Gà xuôi xuống xóm 8B trước khi chảy sang xóm Tân Ấp (xã Phúc Thuận). Suối Đôi chảy qua xóm Nhà Máy rồi gặp suối Đền tại xóm 8B. Suối Liếng chảy qua xóm 5 xuống cầu Liếng (xóm Nhà Máy) rồi hợp lưu với suối Đền tại xóm Tân Ấp (xã Phúc Thuận) tạo nên suối Cái. Địa bàn thị trấn có chung suối Giõng Giao với xã Cát Nê ở phía Tây Bắc, phát nguồn từ núi Tam Đảo, chảy xuyên qua xóm 3, xóm 10 trước khi xuống hạ lưu ở xóm Tân Lập (xã Cát Nê). Rìa Đông Bắc của thị trấn còn có suối Sông Đất chảy từ xóm 6 qua xóm Khe Cua 1 rồi đổ xuống xã Phúc Thuận. Mật độ sông suối, khe lạch tương đối nhiều, hình dạng, tính chất và hướng chảy tương đối giống nhau, song hệ thống thủy văn nhỏ phân bố không đồng đều trên địa bàn thị trấn.

Ngoài ra, thị trấn còn có một số hồ, đập nhỏ được hình thành sau quá trình ngăn chặn các hợp thủy như hồ ở xóm 3 rộng 5ha, hồ ở xóm 5 rộng 6ha. Các khe suối, lạch, đầm, hồ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nước tưới cho nương đồi và thả cá. Dọc các khe suối và bãi bồi dòng chảy còn là nguồn tài nguyên khoáng sản cung cấp đá, cát, sỏi phục vụ việc xây dựng tại chỗ.

Cùng với 10 xã khác của huyện Đại Từ, thị trấn Quân Chu thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo. Xưa núi rừng cung cấp cho nhân dân gỗ để dựng nhà cửa, củi để đun nấu, rau củ quả để ăn… mà còn là địa bàn quan trọng cho các lực lượng cách mạng hoạt động an toàn. Hiện nay, vùng đệm vườn quốc gia Tam Đảo có tác dụng lớn trong ngăn chặn, giảm nhẹ sự xâm hại tới khu vực rừng đặc dụng.

Sự hiện diện của những dãy núi được kiến tạo từ lâu đời còn tạo nên các thung lũng và quy định nhiều đặc thù của thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Có diện tích lớn nhất và phân bố rộng rãi trên các xóm là đất đỏ vàng hình thành trên phiến thạch sét. Đất đỏ vàng đã biến đổi do trồng lúa có mặt ở hầu khắp các thung lũng, thích hợp cho cả cây lúa và một số cây trồng ngắn ngày. Đất dốc tụ hình thành trên nền đá mẹ gabro, là sản phẩm của quá trình rửa trôi và lắng đọng các loại đất ở những sườn núi thoải hoặc khe dốc nên thường có độ phì khác nhau, phân tán trên khắp địa bàn. Ngoài ra, một phần diện tích trên địa bàn là đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, có quá trình glây hóa mạnh, cấu trúc dạng cục, ngập nước lâu ngày.

Hiện nay, hầu hết diện tích đất ở các khu vực bằng phẳng đã được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một phần diện tích đất bạc màu, phân bố ở hầu khắp các xóm. Đến năm 2012, tổng diện tích tự nhiên của thị trấn là 1.181,2ha, trong đó đa phần là đất nông – lâm nghiệp chiếm 1.083,21ha (91,7%), đất phi nông nghiệp là 75,69ha (6,4%), đất chưa sử dụng chiếm 22,3ha (1,9%).

Thị trấn Quân Chu có lượng mưa hàng năm lớn, trung bình từ 1.800mm – 2.000mm, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp. Song lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng và có sự chênh lệch lớn giữa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10, nóng ẩm và mưa nhiều. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau hanh khô và có những đợt rét đậm, rét hại. Do mưa nhiều nên khí hậu thường ẩm ướt, độ ẩm trung bình từ 70 – 80%, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 22 – 27oC. Các dãy núi án ngữ ở rìa phía Đông Bắc và Tây Bắc giúp các đồi gò nằm xen kẽ giữa những cánh đồng nhỏ hẹp được chắn gió Tây nóng bức và gió mùa Đông Bắc khô lạnh. Chính thế núi, thế đất đã tạo nên vùng thổ nhưỡng đặc trưng, phù hợp với việc sinh trưởng và phát triển của cây chè từ sớm, cho hàm lượng ta-lanh cao, thơm ngon và đậm chất tự nhiên.

Lịch sử hình thành và phát triển thị trấn Quân Chu gắn liền với quá trình khai hoang của nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong các chặng đường lịch sử. Với sức người bền bỉ và những nông cụ thô sơ là chủ yếu, bà con đã không ngừng khai hoang ven triền núi để làm điểm cư trú và canh tác nông nghiệp. Tiềm năng phát triển chuyên canh chè được phát huy sau các chiến dịch khai hoang lớn. Khi nông trường chè Quân Chu thành lập năm 1966, những chiếc máy kéo được huy động vào các chiến dịch khai hoang “Bắc Sơn quật khởi”, “Trung Dũng”, “Thống nhất thắng lợi”… Các cuộc khai hoang diễn ra sôi nổi cả ngày lẫn đêm đã cải tạo những vùng rừng già trở thành nương đồi, phát huy thế mạnh trồng chè của nông trường và mở rộng địa bàn canh tác, cư trú của nhân dân thị trấn Quân Chu như ngày nay.

Xét về tên gọi đơn vị hành chính, thị trấn Quân Chu tuy xuất hiện muộn nhưng quá trình tụ cư, dân sinh trên vùng đất này đã diễn ra từ lâu. Tìm về cội nguồn lịch sử, địa bàn Quân Chu là địa bàn tụ cư cổ thuộc bộ Vũ Định dưới thời Hùng Vương, sau đó thuộc huyện An Định (huyện Phổ Yên ngày nay) dưới thời thuộc Minh. Thời Lê sơ, Quân Chu là một trong 7 huyện của phủ Phú Bình, thừa tuyên Ninh Sóc, rồi thuộc trấn Thái Nguyên (1533). Sau cải cách hành chính của vua Minh Mệnh (1831), địa bàn Quân Chu thuộc làng Cát Nê, tổng Thượng Kết, huyện Phổ Yên. Đầu thế kỷ XX, làng Cát Nê được chuyển sang huyện Đại Từ và chia thành 2 làng Cát Nê và Quân Chu, thuộc tổng Ký Phú.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước năm 1954, các xóm của địa bàn thị trấn hiện nay thuộc địa giới một số xã trong huyện Đại Từ: Xóm 1 và một nửa xóm 3 thuộc xã Cát Nê; xóm 7 thuộc xóm Tân Ấp (xã Phúc Thuận); các xóm còn lại đều thuộc địa phận xã Quân Chu, trong đó, xóm 2, nửa còn lại của xóm 3, xóm 9 và xóm Cơ khí công trình thuộc xóm Đền; xóm 4 thuộc xóm Dốc Vụ; một nửa xóm Nhà máy thuộc xóm Vụ Tây, phần còn lại thuộc xóm Cây Hồng. Có thể thấy, phần lớn diện tích của thị trấn trước đây nằm trong xã Quân Chu, do đó quá trình hình thành và phát triển từ xa xưa của thị trấn có mối liên hệ mật thiết với địa bàn xã Quân Chu.

Năm 1957, theo quyết định của Quân khu Việt Bắc, nông trường Bắc Sơn thành lập trên phần diện tích của 2 huyện Đại Từ và Phổ Yên. Sau một thời gian hoạt động, do yêu cầu chuyên môn hóa trong sản xuất, năm 1966, nông trường được chia tách thành 2 bộ phận: Nông trường Bắc Sơn và nông trường chè Quân Chu. Bộ máy chính quyền thị trấn ra đời từ thời gian này không chỉ là một dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển biến về mặt tổ chức hành chính của thị trấn.

Ngày 18/4/1981, theo quyết định 288/CNTP-TCQL của Bộ Công nghiệp thực phẩm, Xí nghiệp công nông nghiệp chè Quân Chu thành lập trên cơ sở sáp nhập nông trường và nhà máy chè Quân Chu. Năm 1986, Xí nghiệp công nông nghiệp chè Quân Chu đổi tên thành Xí nghiệp nông công nghiệp chè Quân Chu. Qua thực tiễn lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất, Đảng bộ xí nghiệp ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Tuy nhiên từ yêu cầu chuyên môn hóa trong chỉ đạo các hoạt động sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, năm 1992, Đảng bộ thị trấn nông trường Quân Chu chính thức thành lập, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển trên địa bàn thị trấn. Xí nghiệp công nghiệp chè Quân Chu thời gian này đổi tên gọi là Công ty chè Quân Chu, sau này là Công ty cổ phần chè Quân Chu. Năm 2011, theo Nghị quyết số 05/NQ-CP (ngày 13/1/2011) của Chính phủ, thị trấn Quân Chu được thành lập trên cơ sở điều chỉnh diện tích đất tự nhiên, nhân khẩu của xã Cát Nê và xã Quân Chu.

Từ khi quy hoạch nông trường Bắc Sơn (năm 1957), các chiến sỹ quân đội từ nhiều miền quê khác nhau như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… được huy động lên xây dựng vùng kinh tế mới khiến số lượng người Kinh trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Những tổ, đội sản xuất từng bước hình thành. Sau một thời gian sống trên nông trường, các chiến sỹ đã động viên, thuyết phục người thân trong gia đình, họ hàng di cư lên lập nghiệp. Thanh niên nam nữ vùng đồng bằng sông Hồng được tuyển dụng lên làm công nhân trên nông trường. Quê hương thị trấn Quân Chu ngày càng đông đúc. Vùng rừng núi hiểm trở đã trở thành một nông trường trồng cây sả trù phú, là mái nhà chung của các dân tộc anh em.

Quá trình cộng cư trong sinh hoạt, sản xuất và hôn nhân giữa dân tộc Kinh với nhau, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số đã tăng thêm tình đoàn kết trong khối thống nhất chung của quốc gia dân tộc. Tại thời điểm sáp nhập nông trường và nhà máy chè Quân Chu (1981), cán bộ, công nhân viên trên địa bàn đã có trên 1.000 người. Đến năm 2011, thị trấn Quân Chu có 4.036 nhân khẩu. Dân cư phân bố trong 13 xóm: Xóm 2, xóm 3, xóm 4, xóm 5, xóm 6, xóm 8A, xóm 8B, xóm 9, xóm 10, xóm Khe Cua 1, xóm Khe Cua 2, xóm Nhà máy, xóm Công trình. Tập trung đông dân cư nhất là các xóm Nhà máy, xóm 4, xóm Cơ khí Công trình, xóm 9, xóm 3 nằm dọc trục đường DT261.

Trong sản xuất, nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của thị trấn. Phương thức canh tác chủ yếu là trồng chè và làm ruộng nước ở vùng đất hợp thủy. Với thổ nhưỡng đặc trưng của một địa bàn miền núi, cấu tạo đất và khí hậu của thị trấn phù hợp với sự sinh trưởng của cây chè. Từ xa xưa, chè được đồng bào dân tộc trồng tự phát và rải rác trên các khu đồi cao, chủ yếu là loại chè cổ thủ. Tuy không cho nhiều sản lượng như cây chè hiện nay nhưng có hương vị tương đối ngon và không giống với các vùng chè khác.

Trải qua quá trình tìm tòi, thử nghiệm, từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, cây chè đã được đưa vào trồng đại trà theo quy hoạch vùng chuyên canh trên địa bàn thị trấn. Các giống chè mới phù hợp với thổ nhưỡng và cho năng suất cao được đưa vào trồng trên diện rộng. Từ đây, nông trường chè bao la, bát ngát và các đặc sản từ chè trở thành một trong những nét nổi bật của vùng đất – con người thị trấn Quân Chu.

Nhân dân thị trấn coi trọng việc chăm sóc chè theo mùa sinh trưởng và thời điểm thu hái chè. Hái búp chè phải đúng quy cách “một tôm hai lá” để lấy được phần ngon nhất của búp chè, tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến để có hương vị chè thơm ngon nhất.

Búp chè hái về được chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kỹ thuật truyền thống: Sao, vò chè liên tục (gọi là sao suốt). Giữ nhiệt độ lửa trong quá trình sao chè là một bí quyết riêng để chè đạt được sự thơm ngon. Sau khi sao xong, chè được sàng sảy để phân loại chè cám, chè ban, chè búp… Sao chè bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng là cách giúp cho sản phẩm chè ngon nhất, song năng suất chế biến thấp. Ngày nay, việc sao, vò chè đã có máy móc hiện đại, thời gian chế biến vì thế được rút ngắn. Chế biến chè là một bộ phận quan trọng trong công nghiệp sản xuất chè ở thị trấn Quân Chu. Chè Quân Chu có hình dạng cánh săn nhỏ và cong như móc câu, vị thơm ngon tự nhiên, chát dịu, màu nước xanh trong và vị ngọt hậu thơm mùi cốm lan tỏa. Ðể một dúm chè trong lòng bàn tay hà hơi vào đã thấy mùi thơm ngầy ngậy, nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà, bởi thế, chè thị trấn được xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới.

Việc buôn bán trên địa bàn trước đây có mối liên hệ với các phiên họp của chợ Đền (xã Quân Chu). Những người đến chợ buôn bán hầu hết là người Sóc Sơn và Phổ Yên. Họ gánh theo cá khô, nước mắm, dầu đèn và đồ tạp hóa lên chợ Đền bán theo phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch. Vì đường xa, để kịp với phiên chợ sớm, người buôn bán thường gánh hàng lên từ chiều hôm trước, nghỉ chân tại cổng xưởng chế biến chè đen, tranh thủ bán hàng cho công nhân trong xưởng. Từ đó, chợ Nhà máy (còn gọi là chợ Chè Đen, chợ Xép) ra đời, họp vào các buổi chiều mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Nhân dân mang hàng hóa địa phương ra bán, nhiều nhất là chè, sau là ngô, sắn, măng… Từ khi có chợ Nhà máy, việc trao đổi hàng hóa ở thị trấn có điều kiện diễn ra thường xuyên hơn.

Lên định cư ở vùng cao, các chiến sỹ bộ đội và công nhân người Kinh mang theo nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của miền xuôi, từ ẩm thực đến trang phục và tập quán sản xuất. Mỗi vùng quê lại có một đặc trưng riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu sắc trên nông trường.

Trong đời sống sinh hoạt, buổi mới lên lập nghiệp, các cán bộ, chiến sỹ làm nhà có khung chủ yếu bằng tre, nứa, mái lợp cỏ giang. Lá sả được ủ mục để trát vách, các cửa đều làm bằng tre. Trong quá trình đô thị hóa, diện mạo thị trấn đã có nhiều thay đổi khác xưa. Giữa màu xanh bạt ngàn của đồi chè là những ngôi nhà cấp 4, nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc lên, tập trung với mật độ lớn dọc theo tỉnh lộ, thể hiện diện mạo dần theo hướng hiện đại của một đô thị miền núi.

Văn hóa ẩm thực nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm từ chè. Trong những dịp lễ, tết, ngày rằm, ngày đầu tháng…, nhân dân cũng làm các loại bánh từ gạo để thắp hương tổ tiên theo phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Về nếp ăn mặc, cuộc sống sản xuất tập thể đã gắn công nhân trên nông trường với màu áo xanh lao động. Trong cuộc sống đương đại, trang phục của nhân dân thị trấn đã có nhiều cách tân. Trang phục được dùng nhiều trong công sở như áo sơ mi, áo vest, quần Âu… Trong những ngày còn khó khăn, đi lại chủ yếu là đi bộ. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, xe đạp là một phương tiện quý. Hiện nay, nhân dân chủ yếu đi lại bằng xe máy, có gia đình đã mua sắm được cả ô tô.

Vốn xuất thân từ các tỉnh miền xuôi lên khai hoang xây dựng nông trường, các cán bộ, công nhân luôn sống chan hòa, cưu mang, cảm thông, đối xử có tình, có nghĩa với nhau làm thắt chặt thêm mối tình cảm giữa những người cùng cảnh ngộ. Nhiều đôi thanh niên nam nữ đã gặp nhau, cùng nhau lao động sản xuất, yêu và cưới nhau, nông trường trở thành quê hương thứ hai của nhiều đôi vợ chồng.

Các đôi uyên ương được Công đoàn và Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức đám cưới. Cô dâu, chú rể thường để dành những bộ quần áo tươm tất nhất mặc trong ngày cưới. Bánh kẹo ngọt, chè, nước và các tiết mục văn nghệ vui tươi được đoàn thể chuẩn bị. Tổ chức Công đoàn còn bố trí đưa đón, chỗ ăn, chỗ ở cho người thân đại diện gia đình hai bên nam nữ lên tham dự đám cưới. Tặng phẩm cho đôi vợ chồng hầu hết bằng hiện vật như chăn màn, phích nước, khăn mặt… Đám cưới không linh đình nhưng rất đông vui, chân tình và tiết kiệm.

Quen với ý thức và kỷ luật trong quân đội, những người lính lên nông trường đã trở thành người công nhân lao động mang trong mình nhiều phẩm chất của người lính không ngại khó, không ngại khổ. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, những thanh niên nam nữ miền xuôi được chính quyền vận động đã tình nguyện đăng ký lên xây dựng nông trường mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần cần cù, chăm chỉ, không ngại khó, không ngại khổ. Từ trong bom đạn chiến tranh, người công nhân trên nông trường vẫn cất cao tiếng hát. Trẻ em vẫn được dạy những bài đồng dao dễ đọc, dễ nhớ để không quên đi nguồn cội. Những đức tính quý báu của nhân dân thị trấn Quân Chu là yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng diện mạo thị trấn Quân Chu như hôm nay.”

Bài khác