Chuẩn bị Hội thảo khoa học Lịch sử Đảng bộ xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc)

Sau gần 1 năm tích cực triển khai sưu tầm các nguồn tư liệu, nghiên cứu biên soạn và tổ chức tọa đàm các sự kiện theo từng giai đoạn lịch sử, đến tháng 6/2013 bản thảo Lịch sử Đảng bộ xã Hải Lựu đã được Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Lô, Phòng Lịch sử Đảng – Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thông qua, đồng ý cho tổ chức Hội thảo khoa học để nghiệm thu và xin phép xuất bản trước khi in ấn.
Dưới đây, Công ty Văn hóa Việt xin trích dẫn nội dung trong phần khái quát “Hải Lựu – Quê hương và con người” đến quý độc giả quan tâm và cho ý kiến đóng góp quý báu, làm cơ sở để Công ty hoàn thiện nội dung bản thảo trước khi in ấn, phát hành:
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hải Lựu là xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, cách trung tâm huyện 10 km về phía Nam, cách thành phố Vĩnh Yên 40 km về phía Đông Nam. Khoảng cách lớn nhất của xã từ Bắc xuống Nam là 4,5 km, từ Đông sang Tây là 4 km. Phía Bắc giáp với xã Bạch Lưu và xã Quang Yên, phía Đông giáp xã Lãng Công và xã Nhân Đạo, phía Nam giáp xã Đôn Nhân, phía Tây giáp 2 xã Tiên Du, Hạ Giáp (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) qua dòng sông Lô. Theo số liệu năm 2010, xã có tổng diện tích tự nhiên trên 10,24 km2, dân số 6.324 người.
Thuở xa xưa, giao thông trên địa bàn xã còn khó khăn, nhiều diện tích lau sậy um tùm. Đường làng đường xã nhỏ hẹp, gồ ghề, giao thông với các vùng bên ngoài bị hạn chế. Qua nhiều thời kỳ, hệ thống giao thông liên thôn, liên xã được nâng cấp, cải tạo, đi lại dễ dàng, thuận lợi. Dòng sông Lô (phụ lưu tả ngạn sông Hồng) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào lãnh thổ nước ta, đoạn chảy qua phía Tây xã Hải Lựu dài gần 3 km. Phù sa sông Lô lượng ít hơn sông Hồng song giàu chất phù sa hơn, hàng năm vẫn bồi đắp cho ruộng bãi đôi bờ. Từ khi cha ông biết trị thủy, điều hòa dòng nước, thì sông Lô và tuyến đê ven sông còn là điều kiện thuận lợi để nhân dân Hải Lựu phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán, trao đổi văn hóa với các vùng, miền lân cận.
Nằm ở độ cao trung bình 146 m so với mặt nước biển, địa hình xã Hải Lựu có hướng thấp dần từ Đông Bắc đến Tây Nam. Phía Đông Bắc xã được chắn bởi dãy núi Thét, một nhánh ngang của địa hình núi Sáng (thuộc sơn hệ Tam Đảo hùng vĩ). Kiến tạo địa chất ở đây là vùng sa thạch tập trung, tạo thành vỉa đá được bố trí theo lớp. Phần tiếp giáp giữa núi Thét và sông Lô là những dải đồi thấp, những khu đất trũng được phù sa cổ từ hàng nghìn năm bồi đắp xen kẽ với các gò nổi, đồi cao. Nhìn chung, địa hình xã được chia thành 3 dạng chính: Địa hình đồi núi tập trung ở phía Tây Bắc xã, chiếm 46,2% diện tích tự nhiên; địa hình bằng phẳng phân bố tập trung ở phía Đông Nam và một phần rải rác xen kẽ giữa các gò đồi, chiếm 36,7% diện tích tự nhiên; địa hình thấp trũng ở khu vực ven sông Lô, chiếm 17,1% diện tích tự nhiên.
Đất đai ở Hải Lựu chủ yếu là đất núi, đồi gò, đất dốc tụ, phù sa và một phần diện tích mặt nước, sông suối. Đất sản xuất nông nghiệp chiếm 371,9 ha, thích hợp cho việc chuyên canh cây lúa và một số loại hoa màu. Diện tích rừng 288,9 ha, với thảm động vật, thực vật phong phú. Địa bàn xã có hồ Khuôn là hồ chứa nước tương đối lớn với diện tích trên 20 ha, xưa kia là đồng chiêm trũng có mặt nước mênh mông, lắm cá nhiều tép, lau sậy rậm rạp, các loài mòng, ké, vịt trời, le le… thi nhau về đây sinh sống. Ngoài ra còn có hồ Dộc Mai, hồ Đồng Chòn, các khe, lạch nhỏ trên núi đồi chảy xuống. Diện tích nuôi trồng thủy sản của xã có 6,56 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 270,91 ha.
Thiên nhiên xã Hải Lựu có địa danh Vườn cò (thuộc thôn Dừa Lẽ) có giá trị về mặt khoa học. Tổng diện tích khu Vườn cò là 15 ha, trong đó khu vực chim, cò làm tổ là 7 ha. Độ cao mặt nền Vườn cò so với mặt nước biển là 58,5 m. Địa hình vùng sân chim là đồi núi thấp dần đến vùng bán sơn địa nằm cạnh sông Lô. Vườn cò Hải Lựu chiếm một nguồn tài nguyên động thực vật quan trọng của huyện Sông Lô cũng như của Vĩnh Phúc. Một số loài chim, cò làm tổ ở đây chiếm ưu thế về tính đa dạng di truyền, gồm các loài như cò lửa, cò lửa lùn, cò bợ, cò ruồi, cò xanh… Thực vật ở vườn cò hiện nay là những cây thuộc hệ sinh thái rừng còn sót lại như: Tre, trám, xoan, trẩu, sung, nhãn… Đây là những cây chim dùng để làm tổ, trong đó cây tre là cây có nhiều loài chim làm tổ nhất do thường mọc thành bụi, có thân dẻo tạo thuận lợi cho chim làm tổ. Hiện nay đã có quy hoạch tổng thể khu du lịch Vườn cò nhằm đánh giá, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, đặc điểm sinh thái của khu vườn.
Xã Hải Lựu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng cơ bản: Nóng ẩm, mưa nhiều và chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Một năm chia làm bốn mùa rõ rệt: Xuân, hạ, thu, đông. Mùa hạ nóng, ẩm, mùa đông khô, lạnh. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 22 – 23oC, cao nhất là vào tháng 7 (33,5oC), thấp nhất vào tháng 1 (15oC). Lượng mưa trung bình năm từ 1.500 – 1.800 mm, cao nhất vào tháng 8 (355 mm), thấp nhất vào tháng 12 (9 mm). Độ ẩm không khí trung bình đạt 83 – 85%, lượng bốc hơi từ 40 – 45% lượng mưa hàng năm.
Về khoáng sản, xã Hải Lựu có trữ lượng đá tương đối lớn phân bố dọc theo chân núi Thét và nguồn cát sỏi phân bố dọc theo bờ tả sông Lô. Khu Đồng Chăm có loại đá nổi vân màu ngũ sắc dùng làm vật liệu trang trí trong xây dựng. Khu Đồng Chổ có các loại đá xanh, đá xám, nhiều màu sắc như: Trắng ngà, gan gà, da cóc…
Điều kiện tự nhiên như trên vừa có điểm tương đồng với các xã lân cận, lại vừa có những đặc điểm riêng biệt, hàm chứa cả thuận lợi và khó khăn. Với điều kiện tự nhiên ấy, nhân dân trong xã từ lâu đời đã canh tác nông nghiệp, phát triển nghề đánh bắt thủy sản, đồng thời dần mở rộng thêm một số nghề mới như khai thác và chạm khắc đá, kinh tế đồi vườn, trang trại và rừng, du lịch sinh thái… Một số diện tích đã được quy hoạch, cải tạo thành đất 2 lúa – 1 màu, đất 1 lúa – 1 cá, khu chăn nuôi tập trung, khu làng nghề…
2. Quá trình hình thành và phát triển làng xã
Từ các cứ liệu lịch sử và khảo cổ, có thể khẳng định Hải Lựu là vùng đất đã hình thành từ rất lâu đời. Năm 1982, các nhà khảo cổ học phát hiện tại khu vực Gò Đồn một công cụ chặt bằng đá Quazzit thuộc giai đoạn văn hóa Sơn Vi (khoảng 2 vạn năm trước đây). Năm 2000, Viện khảo cổ học và Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ra di chỉ Gò Hội, các cuộc khai quật khảo cổ sau đó phát hiện được hàng vạn mảnh gốm, hàng trăm công cụ, đồ trang sức đá và rất nhiều xương, răng động vật, vỏ sò, ốc… thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách nay khoảng 3.500 – 4.000 năm), cho thấy sự có mặt từ rất sớm của cộng đồng người Việt cổ trên địa bàn Hải Lựu, với nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa, đánh bắt thủy sản và thuần dưỡng động vật để phục vụ cuộc sống. Cộng đồng dân cư ở đây đã góp phần hình thành nên Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.
Trải qua quá trình định cư lâu dài, các làng, chạ dần dần được hình thành. Người dân Hải Lựu xa xưa dựa vào các hình thế tự nhiên sơ khai như vùng ven sông thuận tiện giao thông và nguồn nước, vùng gò đồi cao ráo không bị ngập lụt… để tụ cư sinh sống. Các địa danh khởi tổ cho quê hương từ đó mà ra đời. Làng Bạch Lưu Hạ còn có tên nôm là Kẻ Nội, làng Hải Lựu có tên nôm là Kẻ Cảy… Tục truyền, Kẻ Nội thời phong kiến là nơi tập trung dân cư đông đúc với gần 400 hộ dân, xung quanh làng có lũy tre dày bao bọc, có 4 cổng vào làng. Làng được chia thành 7 xóm: Đình, Giữa, Trên, Dưới, Đông, Giếng, Trại. Đứng đầu mỗi xóm là một xóm trưởng. Tại các xóm có cổng làng còn xây dựng cả điếm canh, vọng gác.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hải Lựu ngày nay nằm trên địa bàn 2 làng (sau đổi thành xã) Bạch Lưu Hạ và Hải Lựu, thuộc tổng Bạch Lưu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên. Từ tháng 5/1945, Bạch Lưu Hạ đổi thành xã Thượng Quang, Hải Lựu đổi thành xã Tân Quang, thuộc huyện Kháng Địch, khu căn cứ giải phóng Sơn Dương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, không còn tên huyện Kháng Địch nữa, xã Thượng Quang và xã Tân Quang trở thành đơn vị hành chính trực thuộc huyện Lập Thạch. Tháng 1/1946, thực hiện chủ trương của cấp trên về mở rộng địa giới hành chính cấp xã, 3 xã Bạch Lưu Thượng, Thượng Quang và Tân Quang hợp nhất thành xã mới lấy tên là xã Bạch Hải, thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên.
Năm 1950, tỉnh Vĩnh Yên sáp nhập với tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc, Bạch Hải là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 9/1954, Bạch Lưu Thượng tách khỏi xã Bạch Hải và sáp nhập với xóm Lù (thuộc Bạch Lưu Hạ cũ) thành xã Hoàng Ngân (sau này là xã Bạch Lưu). Xã Hồng Phong được thành lập trên cơ sở phần lớn địa dư của các xã Bạch Lưu Hạ và Hải Lựu cũ. Năm 1965, thực hiện Quyết định số 126-QĐ/BNV của Bộ Nội vụ, xã Hồng Phong đổi tên thành xã Hải Lựu, thuộc huyện Lập Thạch và ổn định tên gọi của xã đến nay.
Ngày 26/1/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Hải Lựu trở thành đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú. Đến năm 1977, huyện Lập Thạch hợp nhất với huyện Tam Dương thành huyện Tam Đảo, xã Hải Lựu thuộc huyện Tam Đảo. Sang năm 1978, địa giới hành chính huyện Tam Đảo có sự thay đổi, huyện Tam Dương (cũ) sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Tam Đảo (mới), huyện Lập Thạch giữ nguyên địa dư và địa danh cũ. Xã Hải Lựu trở lại là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Xã Hải Lựu trực thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 23/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lập Thạch để thành lập huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với 16 xã khác của huyện Lập Thạch cũ (Bạch Lưu, Đôn Nhân, Quang Yên, Lãng Công, Nhân Đạo, Phương Khoan, Đồng Quế, …), xã Hải Lựu trở thành đơn vị hành chính trực thuộc huyện Sông Lô.
Qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã, tính đến năm 2010 xã Hải Lựu có diện tích tự nhiên hơn 10,24 km2, với 6.324 nhân khẩu sinh sống ở 19 thôn: Dừa Cả, Khu Sơn, Dân Chủ, Trung Kiên, Gò Dài, Làng Len, Gò Dùng, Đồng Vằm, Dốc Đỏ, Dừa Lẽ, Giếng Trẹo, Hòa Bình, Thắng Lợi, Đồng Soi, Đoàn Kết, Lòng Thuyền, Lũng Lợn, Đồng Chổ, Đồng Chăm.
Trên địa bàn xã Hải Lựu đại đa số là thành phần dân tộc Kinh, những năm gần đây có thêm khoảng 10 nhân khẩu thuộc dân tộc khác về cư trú, sinh sống. Nhân dân Hải Lựu có những đặc điểm, tiêu chí nhân chủng học và đồng thời cũng hội đủ mọi biểu hiện về kinh tế – xã hội của khu vực, cùng đứng trên một mặt bằng văn hóa nông thôn của huyện Sông Lô. Xã Hải Lựu có trên 40 dòng họ cùng sinh sống, trong đó 5 dòng họ có số dân đông hơn cả là Nguyễn, Hà, La, Đỗ, Hán. Theo sử sách ghi chép, những họ này đã định cư ở Hải Lựu được từ 15 – 20 đời (khoảng 600 – 700 năm). Một số dòng họ khác cũng đến tụ cư tại nơi này từ nhiều đời. Các dòng họ sống với nhau dựa trên cơ sở huyết thống và cùng chung một địa bàn cư trú nên tính đoàn kết cộng đồng cao.
3. Đặc điểm kinh tế, xã hội thời phong kiến
Đặc điểm kinh tế
Kinh tế làng Bạch Lưu Hạ và Hải Lựu dưới thời phong kiến là nền kinh tế thuần nông và mang tính chất tự cấp, tự túc, chủ yếu là trồng trọt và khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ đồi núi, sông hồ. Nông nghiệp trồng lúa nước chiếm địa vị chủ đạo trong nền kinh tế, là nguồn cung cấp lương thực chính của đại bộ phận dân cư. Do đặc điểm của địa hình, đất đai, người nông dân ở Hải Lựu vừa canh tác trên các khu đất thấp trũng màu mỡ, vừa làm ruộng bậc thang ven theo núi đồi, khe lạch. Cùng với sản xuất lúa gạo, dân cư các làng còn trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả và rau xanh, đồng thời chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá, đánh bắt thủy sản… Tuy nhiên hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Hải Lựu còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ… ra đời muộn hơn, nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nghề còn thể hiện những nét tinh túy trong tính cách, tâm hồn người dân Hải Lựu, tiêu biểu như nghề chế tác, chạm khắc đá truyền thống. Theo các cụ cao niên kể lại, nghề chế tác đá Hải Lựu có từ những năm đầu của thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX. Cụ Bếp Vằn đi lính khố đỏ cho Pháp, đóng quân ở một vùng làm đá thuộc tỉnh Thanh Hoá, học được nghề rồi về xã làm nghề và truyền lại cho con cháu.
Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, gần sông, tiện chợ, tiện đường, cư dân đông đúc, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và hoạt động thương nghiệp ở Hải Lựu diễn ra khá tấp nập. Từ cuối thế kỷ thứ XIX, làng Bạch Lưu Hạ đã có chợ, các mặt hàng được bày bán đa số là sản vật địa phương, dụng cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt, hàng khô, hàng tươi… Chợ họp 1 tháng 12 phiên (6 phiên chính và 6 phiên xép), những ngày không phải phiên chợ thì họp buổi chiều. Các phiên chợ đều có thuyền từ khu vực Quảng Ninh, Móng Cái lên mua bán, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền đông vui, sầm uất.
Thiết chế làng xã
Dưới thời phong kiến, người dân Hải Lựu sống quần tụ thành làng, xung quanh làng là lũy tre xanh dày bao bọc tạo nên hàng rào tự nhiên bảo vệ. Cuộc sống của nhân dân trong làng được gắn kết bởi những quy định trong hương ước trên cơ sở mọi người dân tự nguyện chấp hành, lấy tình cảm gắn bó gia đình, dòng tộc, cộng đồng làm nền tảng. Mối quan hệ khép kín cùng với lối cư trú theo dòng họ – huyết thống biểu hiện khá rõ theo kết cấu xóm ngõ và phe giáp.
Xóm là thiết chế dựa trên quan hệ láng giềng, những gia đình trong cùng một xóm có sự cấu kết cộng đồng bền chặt “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”… Giáp là tổ chức của nam giới trong làng, gồm những người cùng họ hoặc khác họ (cha ở giáp nào thì con ở giáp ấy), có bầu giáp trưởng.
Ngoài ra, trong làng còn có các phường, hội… tập hợp các thành viên trên tinh thần tự nguyện nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống thường ngày.
Bộ máy quản lý làng gồm hai thiết chế chính: Hội đồng kỳ mục và bộ máy chức dịch. Hội đồng kỳ mục có toàn quyền quyết định đối với các công việc của làng như đấu thầu ruộng đất, tu bổ đình chùa, mở hội, bán ngôi thứ… Thành viên của hội đồng kỳ mục gồm quan lại các cấp đã về hưu, các cựu chánh – phó tổng, chánh – phó lý không bị can án trong thời gian đương nhiệm. Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là một tiên chỉ, sau tiên chỉ là một thứ chỉ và một thư ký hội đồng.
Bộ máy chức dịch là đại diện của chính quyền cấp cơ sở (xã) ở các làng, chịu trách nhiệm trước triều đình phong kiến về các mặt an ninh, các khoản thuế, điều động phu dịch của từng xã. Trong bộ máy chức dịch có lý trưởng, phó lý, hộ lại, trưởng bạ, xã đoàn…
Sau khi thực dân Pháp tiến hành đợt cải lương hương chính năm 1921, Hội đồng kỳ mục bị bãi bỏ, thay vào đó là Hội đồng tộc biểu (hay còn gọi là Hội đồng hương chính). Thành viên của Hội đồng hương chính là đại biểu các dòng họ sinh sống trong làng, được phân bổ cho các họ theo số đinh của dòng họ. Các đại biểu này gọi là tộc biểu. Toàn hội đồng có trên dưới 20 đại biểu, có bầu Chánh hương hội, phó hương hội, thư ký, thủ quỹ… Đến năm 1927, thực dân Pháp phải cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với Hội đồng hương chính. Cũng trong thời gian này, hương ước làng Bạch Lưu Hạ và làng Hải Lựu được sửa đổi theo mẫu của người Pháp.
Các vấn đề về thiết chế, phân hạng dân cư, sử dụng ruộng đất công, tổ chức tế lễ… của làng đều được quy định trong hương ước. Nhìn chung, hầu hết các điều khoản trong hương ước mang tính tích cực, gắn kết cá nhân và các thiết chế tổ chức trong những nghĩa vụ và quyền lợi chung, đề cao tôn ti, trật tự xã hội từ trong gia đình ra ngoài làng xã, góp phần ngăn ngừa các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phong kiến, nhiều điều khoản của hương ước trở thành sợi dây ràng buộc người nông dân vào các khoản đóng góp nặng nề, gây tốn kém và lãng phí rất lớn, là một trong những nguyên nhân bần cùng hóa người nông dân.
4. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Khái quát phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng
Truyền thống văn hóa ở Hải Lựu in đậm dấu ấn của người Kinh ở miền Bắc Việt Nam với những phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc trưng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng và các tập tục hôn nhân, tang ma, khao vọng, lên lão, vào đinh…
Về hôn nhân: Thời phong kiến, việc dựng vợ gả chồng cho con cái thường phải “môn đăng hộ đối”, có người mai mối và theo tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Khi hai gia đình nhận lời gả con cho nhau, nhà trai phải lo đầy đủ các thủ tục, các bước cưới hỏi, rước dâu… Nạn tảo hôn thường xuyên xảy ra.
Lên lão: Người dân trên địa bàn xã từ 50 tuổi trở lên bắt đầu được lên lão. Mỗi giáp có 16 cụ (bốn bàn) là lão, tính theo tuổi từ cao đến thấp. Bốn bàn này chia thành bàn nhất, bàn nhì, bàn ba, bàn bốn. Bốn bàn các cụ được duy trì thường xuyên, khi có cụ nào qua đời sẽ bổ sung thêm cho đủ. Các cụ thọ đến 60 tuổi được tổ chức khao lão, làm cỗ linh đình.
Tục tang ma: Khi trong nhà có người qua đời, tang chủ đến trình báo với giáp trưởng (hoặc xóm trưởng). Giáp trưởng thông báo cho toàn giáp và phân công các trai đinh vào việc. Sau khi khâm liệm, nhập quan, phát tang, gia đình, họ mạc đưa người quá cố đi chôn cất trọng thể. Sau 3 năm, con cháu làm lễ cáo từ đường rồi khai mộ, đem xương cốt người quá cố cho vào một cái tiểu sành, chôn sang mộ mới, gọi là cải cát.
Trong làng, những người đỗ đạt, được phong chức hay mua chức đều phải tổ chức khao vọng để khẳng định vị thế mới. Sau khi làm lễ khao, người đó mới được gọi theo chức tước, học vị, phẩm hàm của mình. Với tư tưởng “vô vọng bất thành danh”, nhiều người phải vay mượn, thậm chí bán ruộng, bán nhà để làm lễ khao.
Trải qua quá trình định cư lâu dài, gắn bó cộng đồng trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, các thế hệ người dân Hải Lựu đã từng bước xây dựng nên hệ thống những công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị tinh thần quan trọng ở địa phương như đình, chùa, đền, miếu… Làng Bạch Lưu Hạ xưa có đình Chợ thờ Thành hoàng làng, đình Kiêng là nơi tổ chức chọi trâu, có Am Khám Tự, chùa trên núi Thét và miếu để nhân dân thờ Phật, thờ thánh thần. Làng Hải Lựu có ngôi đình Làng Len, chùa Thị Ý và một số miếu thờ.
Đình Chợ (đình Trên, đình Bác Cổ) là ngôi đình bề thế của cả khu vực, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII, thờ Thành hoàng làng là Thiết Sơn Đại Vương (thừa tướng Lữ Gia). Đình có mặt bằng hình chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian truyền thống với hệ thống chịu lực bằng gỗ “Tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), mái lợp ngói mũi hài. Đường kính các cột cái, cột con của đình tương đối lớn, trung bình các cột con có đường kính 0,6 m. Các chi tiết rường, đội, kẻ, bẩy… đều được chạm khắc công phu, tỉ mỉ, đường nét hoa văn mô phỏng đời sống của người dân quê như cảnh cày ruộng, cấy lúa, chơi cờ, đấu vật, bơi thuyền, chọi gà… Đình được bày trí đầy đủ các đồ thờ tự, tế khí, gồm 3 cỗ long ngai, bài vị của các thần, kiệu bát cống, kiệu văn, chấp kích, trống chiêng … Năm 1947, trong đợt thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc, đình bị chúng đốt cháy, phá hủy hoàn toàn, đến nay vẫn chưa được xây dựng lại.
Cách đình Bác Cổ trước đây khoảng 0,5 km về phía hạ lưu sông Lô là ngôi đình Kiêng. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XV theo hình chữ Nhị bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa có 3 gian. Tòa trong đặt bệ thờ, tòa ngoài để trống, không xây tường, cửa. Phía trước đình là bãi chọi trâu. Hàng năm, khi tổ chức lễ hội chọi trâu, làng tổ chức rước bài vị thần từ đình Bác Cổ về đình Kiêng, tổ chức tế thần sau đó khai hội. Kết thúc lễ hội, bài vị thần được rước trở về đình Bác Cổ an tọa. Đình còn là nơi tổ chức “Chém khoán ăn thề” của làng. Hiện đình Kiêng không còn nữa.
Đình Làng Len có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII, lúc đầu được xây dựng tại gò Đình, có 4 gian bái đường, 1 gian hậu cung. Đình Làng Len cũng thờ Thành hoàng làng là Thiết Sơn Đại Vương. Đình đắp bằng đất (tường thổ), lợp lá cọ (sau thay bằng ngói mũi). Năm 1909, giặc Pháp đem quân đánh nghĩa quân Yên Thế ở căn cứ Bách Bung (núi Sáng) đã đốt phá đình. Theo ý kiến đề xuất của cụ Nguyễn Văn Hỉ (cụ từ Liên), đình được xây dựng lại ở gò Làng Cả, gồm có 1 gian, 2 chái, tường thổ, cột gỗ, lợp lá cọ. Đồ thờ tự có bát nhang, 2 be sành đựng rượu, 1 mâm thau. Qua chiến tranh, đình Làng Len đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại dấu tích là các tảng đá kê chân cột khổ 0,4 x 0,4 m.
Chùa Am Khám (Am Khám tự) trước đây là một ngôi chùa lớn, bề thế nhất vùng. Chùa tọa lạc trên một gò cao ở đầu làng Bạch Lưu Hạ (gọi là gò Chùa). Chùa làm theo kiểu chữ Đinh, có 3 gian tiền bái và 3 gian hậu cung, cột kèo, dầm xà đều bằng gỗ tứ thiết và lợp ngói mũi hài rất dày, nền lát gạch Bát Tràng. Mặt tiền chùa trông xuống dòng sông Lô uốn lượn. Đứng trên nền chùa có thể thấy toàn cảnh làng Bạch Lưu Hạ ở bên dưới. Trong chùa có hệ thống tượng Phật đầy đủ bằng gỗ hoặc đất nện sơn son thếp vàng hoành tráng và một chuông đồng to, đường kính khoảng 1 m. Những năm 60 của thế kỷ XX, chùa xuống cấp, hư hỏng nặng. Phần gạch của chùa được dỡ để xây dựng trường học, trạm xá, phần gỗ dùng để đóng cửa lớp, bàn ghế cho học sinh. Đến năm 1995, chùa Am Khám được xây dựng lại trên nền ngôi chùa cũ.
Chùa làng Hải Lựu trước đây được xây dựng ở gò Đình (gần đình Làng Len), sau đó chuyển lên gò Thị Ý, vì vậy còn gọi là chùa Thị Ý. Chùa có 3 gian, cột gỗ, xung quanh đắp tường thổ, lợp lá cọ. Bệ thờ Phật đắp bằng đất. Những năm 1957 – 1958, chùa bị phá hủy. Đến năm 2002, được ông Nguyễn Tiến Ngọ – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Thành hỗ trợ kinh phí, nhân dân các thôn Đồng Chăm, Làng Len đã xây dựng 1 gian thờ Phật Thích Ca, duy trì cúng lễ vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng.
Ngoài các đình chùa trên, trên địa bàn xã có các công trình khác như chùa Thiên Long, miếu Bỏi, miếu Dừa Lẽ, miếu xóm Giếng, miếu Thị Ý, miếu Bù Miếu… Tương truyền, khi thừa tướng Lữ Gia tử trận, chó ngao cắp thủ cấp từ chiến trường qua núi Thét về thôn Yên Thiết, xã Quang Yên, máu rơi xuống đâu người dân lập miếu thờ ở đó.
Là một vùng đất cổ, Hải Lựu có nhiều lễ hội và tục lệ lâu đời như: Hội chọi trâu, bắt lợn cầu, chọi gà và nhiều trò chơi dân gian khác, trong đó đặc sắc và có quy mô lớn nhất là lễ hội chọi trâu. Theo truyền thuyết dân gian và các thư tịch cổ, các bản ngọc phả đời Lê Trung Hưng, sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn, Địa chí tỉnh Vĩnh Yên… hội chọi trâu ở Hải Lựu có từ khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên. Cổ tục này gắn liền với truyền thuyết về hai con trâu trắng chọi nhau ở khu vực Bến Ảnh và sự tích thừa tướng Lữ Gia mổ trâu khao quân, tổ chức “Đấu ngưu” để mua vui, khích lệ tinh thần cho quân sĩ và dân làng. Hội chọi trâu được nhân dân Hải Lựu lưu truyền qua nhiều đời. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, toàn xã đã chuẩn bị 16 con trâu, tích cực chăm sóc chờ ngày mở hội. Song được sự tuyên truyền của cán bộ cấp trên về nhiệm vụ kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược quan trọng nên bà con nhân dân nhất trí dừng tổ chức lễ hội chọi trâu. Số trâu đã chuẩn bị được đem bán (15 con) và mổ thịt (1 con). Bắt đầu từ năm 2002, lễ hội chọi trâu truyền thống ở Hải Lựu lại được khôi phục.
Trước đây, lễ hội chọi trâu ở làng Bạch Lưu Hạ được tổ chức hàng năm vào ngày 28 tháng Chạp năm trước và ngày 17 tháng Giêng năm sau. Số trâu đưa vào chọi là 16 con, tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 tổ chức vào ngày 28 tháng Chạp với số trâu là 10 con, đợt 2 tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng, là ngày chính hội với số trâu là 6 con. Địa điểm chọi trâu là bãi đất ruộng bằng phẳng ở khu vực đình Kiêng. Công tác chuẩn bị cho lễ hội bắt đầu từ khoảng tháng 8 âm lịch. Quá trình phân bổ nuôi trâu, chăm sóc trâu chọi cho đến lúc đưa trâu ra sới chọi diễn ra khá công phu. Lễ hội không có giải thưởng. Cuối hội, cả trâu thắng, trâu thua đều đem mổ thịt làm lễ tế thần và lấy thịt chia cho dân làng.
Sau khi được khôi phục vào năm 2002, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, song vẫn đảm bảo đầy đủ các trình tự, thủ tục như lễ hội chọi trâu truyền thống. Năm 2002, 2003, lễ hội diễn ra chỉ trong một ngày 17 tháng Giêng. Từ năm 2004, Ban Tổ chức quy định thời gian tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm cố định vào 2 ngày 16 – 17 tháng Giêng. Địa điểm chọi trâu đặt tại gò Mả Đàm. Cơ sở vật chất phục vụ lễ hội từng bước được đầu tư xây dựng, có thu tiền bán vé từ năm 2004. Giải thưởng do các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện và một số công ty, doanh nghiệp tài trợ.
Lễ hội chọi trâu là một di sản văn hóa phi vật thể, một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của xã Hải Lựu, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong và ngoài xã, huyện, tỉnh.
Ngoài lễ hội chọi trâu, xã Hải Lựu từng có nhiều cổ tục mang đậm nét văn hóa dân gian sâu sắc như “Chém khoán ăn thề”, thi bắt lợn thờ, tiệc tế Thánh…
Tục “Chém khoán ăn thề” diễn ra vào ngày mùng 4 Tết hàng năm, toàn bộ trai đinh, chức sắc trong làng tập trung đầy đủ về đình Kiêng để làm lễ tế Thánh. Sau khi đọc các điều khoán (tức những điều cấm và lời thề), ông xã đoàn dùng lưỡi kiếm chặt đứt đầu con gà trống làm lễ cúng, cho máu gà chảy vào chậu rượu. Những người có mặt dùng chén múc rượu đó uống để thể hiện sự chấp nhận lời thề.
Tiệc tế Thánh được tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày 29 và 30/11 âm lịch ở đình Bác Cổ. Trong 2 ngày, tất cả các gia đình đều nghỉ việc để làm nhiều loại bánh, bày cỗ bàn ăn tiệc. Một cụ cao niên, gia tư khá giả, vợ chồng song toàn, con cháu đề huề đủ cả trai gái được cử làm quan mệnh bái (chủ tế). Từ chiều ngày 29, làng tổ chức rước kiệu vào nhà quan mệnh bái lấy chúc văn. Đến tối ngày 30, quan viên trong làng tổ chức tế Thánh tại đình. Hành lễ tế Thánh có âm nhạc rộn rã, người xem đứng chật sân đình. Sau 3 tuần tế có hội hát chèo, hát ca trù và các trò vui ngay tại sân đình, kéo dài suốt đêm.
Tục thi bắt lợn thờ: Hàng năm, mỗi giáp chọn mua một con lợn đực khỏe mạnh, giao cho nhà có lợn bán đó nuôi. Lợn được nuôi trong cũi riêng, vệ sinh hàng ngày và cho ăn sạch sẽ. Hàng giáp chọn các trai tráng khỏe mạnh, cử 4 người bắt lợn và khiêng lợn, số còn lại mỗi người một bó đóm bằng nứa khô hoặc tre ngâm chẻ nhỏ. Nửa đêm ngày mùng 2 Tết, khi tiếng trống, tiếng chiêng hiệu lệnh nổi lên, các thanh niên đã được phân công nhanh chóng bắt lợn, khiêng lợn chạy ra đình. Các cửa vào đình đều đóng, chỉ để một cửa không cài chốt cánh. Nhiệm vụ của các giáp là tìm mở được cửa để đưa lợn vào. Giáp nào cũng đua tranh để đưa được lợn vào trước, với mong muốn trong năm mới mọi người trong giáp gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Không khí trong thời gian thi bắt lợn rất sôi động, tiếng chân chạy, tiếng chiêng trống và tiếng hò reo vang động cả một góc làng. Lợn bắt ra đình được giết thịt tế Thánh vào ngày mùng 3 Tết, sau đó chia cho các nhân đinh thụ lộc.
Phong trào học tập, nghiệp cử và truyền thống đấu tranh
Người dân Hải Lựu vốn có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” từ lâu đời. Dưới thời phong kiến, nhiều gia đình giàu có, khá giả trên địa bàn đã mời thầy về tận nhà dạy chữ Hán cho con em. Đến đầu thế kỷ XX, ở Bạch Lưu Hạ có một số lớp dạy chữ Hán của các cụ đồ Ki, đồ Chàng, giáo Phiệt… Dòng họ Lưu ở Hải Lựu đã có người thi đỗ, được bổ nhiệm làm quan tri huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Trên địa bàn có cụ Nguyễn Văn Đức đỗ đầu xứ (được gọi là cụ Xứ) ở trường thi Sơn Tây. Ngoài ra, thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Chính phủ bảo hộ Pháp cho xây dựng trường Sơ đẳng tiểu học ở ngay cạnh đình làng với 4 lớp học ghép (lớp vỡ lòng, lớp 1, 2, 3). Một trong số giáo viên tiểu học đầu tiên về dạy là ông Vũ Hồng Khanh[1]. Hầu hết học sinh ở làng Bạch Lưu Hạ và Hải Lựu học hết sơ học yếu lược, có đồng chí Đào Tiến Phấn đi học cao đẳng tiểu học ở Đáp Cầu (Hà Bắc).
Tiếp nối truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhiều người con trên quê hương Hải Lựu đã vượt khó trong học tập, nghiên cứu, đỗ đạt và giữ nhiều chức vụ quan trọng như ông Hà Hữu Nga – Tiến sỹ Sử học công tác ở Viện khảo cổ, ông Vũ Đình Ngọ là tiến sỹ Hóa học – Hiệu phó trường Cao đẳng Hóa chất tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2010, toàn xã có 2 tiến sỹ, 6 thạc sỹ, gần 100 cử nhân và nhiều nhà văn, nhà báo, trong đó riêng dòng họ Vũ đã có 1 tiến sỹ, 2 thạc sỹ và 20 cử nhân. Ngoài ra, xã Hải Lựu còn có 3 cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân là các ông: Hoàng Long Xuyên, Nguyễn Như Hải, Hà Văn Trình.
Hải Lựu là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước và lịch sử chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây. Thế kỷ thứ II trước Công nguyên, khi nhà Triệu có nguy cơ bị nhà Tây Hán (Trung Quốc) xâm lược, thừa tướng Lữ Gia đã rời bỏ kinh đô đến xây dựng căn cứ ở núi Thét thuộc xã Yên Thiết (Quang Yên). Vùng Bạch Lưu, Hải Lựu trở thành cơ sở của căn cứ Lữ Gia, nhiều người dân trong vùng theo thừa tướng đứng lên chống quân xâm lược do tướng Lộ Bác Đức của nhà Tây Hán chỉ huy trong suốt hơn 10 năm (124 – 111 trước Công nguyên). Khi thừa tướng Lữ Gia tử trận, nhân dân trên địa bàn đã tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ ở đình Bác Cổ (đình Trên).
Đến thế kỷ thứ XIX, trên đường rút quân về nước, quân Cờ đen do tên Ngô Côn (tướng của Lưu Vĩnh Phúc) cầm đầu đã tàn phá, cướp bóc nhiều làng mạc chúng đi qua. Song khi tới địa bàn Hải Lựu (năm 1873), quân giặc vấp phải sự chống trả quyết liệt của nhân dân làng Bạch Lưu Hạ. Chúng đã tổ chức vây lùng suốt 6 tháng ròng mà không vào được làng, ngược lại còn bị tổn thất lực lượng, cuối cùng buộc phải rút lui. Địa danh Ao Làng nơi lập chiến công, địa danh Mả Khám nơi chôn xác giặc nay vẫn còn đó. Chiến công của nhân dân làng Bạch Lưu Hạ được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận và tặng một bức trướng “Phấn dũng – Trung nghĩa dân”.
Cuối thế kỷ thứ XIX, nghĩa quân Yên Thế đưa quân về Lập Thạch, lấy núi Sáng làm căn cứ chống Pháp. Nhân dân làng Hải Lựu và Bạch Lưu Hạ lại ra sức ủng hộ nghĩa quân về lương thực, thực phẩm…
Qua thăng trầm của lịch sử, bằng mồ hôi, công sức của mình, đấu tranh với thiên nhiên, giặc giã để tồn tại và phát triển, những đức tính tốt đẹp của người dân Hải Lựu đã nảy sinh và được truyền từ đời này qua đời khác. Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; đức tính kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tình cảm làng xóm, láng giềng gắn bó keo sơn… cộng với những phong tục tập quán mang tính “lệ làng” đã kết tinh thành sức mạnh của cả một cộng đồng làng xã. Giá trị chân – thiện – mỹ của văn hóa làng xã là cơ sở bền vững để nhân dân Hải Lựu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
[1] Tổng sư Vũ Hồng Khanh, lúc đó là một trong những người lãnh đạo Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học.
- Công bố và phát hành sách Lịch sử 120 năm Thị xã Phú Thọ (1903 – 2023) (19/04/2023)
- Văn hóa Việt với ngày sách và văn hóa đọc 21/4 (15/04/2023)
- Dấu ấn của Văn Hóa Việt tại “Ngày hội việc làm và kết nối nhà tuyển dụng năm 2023” (29/03/2023)
- Hội thảo khoa học cuốn sách Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1925 – 2023 (lần thứ 2) (06/03/2023)
- Những bông hoa của Văn hóa Việt tỏa hương trong dịp 8/3 (02/03/2023)
- Hành trình chép sử trên vùng biên ải (22/02/2023)
- Hội nghị triển khai việc biên tập, bổ sung, tái bản “Lịch sử Đảng bộ thành phố Bắc Ninh (1926 – 2025) (10/02/2023)
- Chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/2023)
- Hội thảo khoa học lịch sử Quân sự huyện Thanh Ba, Phú Thọ giai đoạn 1945 – 2023 (11/01/2023)