Tiếp cận và sử dụng văn bản lưu trữ ở Đảng bộ để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử

lich su dang bo xa thach dong

Thời gian qua, những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ đã không ngừng tìm tòi, hoàn thiện phương pháp tiếp cận và sử dụng khoa học các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lại lịch sử một cách chân thực và khách quan nhất.

Trong số những nguồn sử liệu được chú trọng, phải kể đến là hệ thống văn bản đang lưu trữ ở các đảng bộ. Nó là một bộ phận cấu thành của sử liệu chữ viết, được hình thành trong quá trình hoạt động của tổ chức Đảng, hình thành trong quá trình công tác của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đảng viên tiêu biểu của đảng bộ… Nhờ lưu trữ cẩn thận, nên qua thăng trầm của thời gian các văn bản vẫn nguyên vẹn đến ngày nay.

Ban đầu các văn bản được tạo ra không phải với mục đích làm nguồn sử liệu, mà để phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ ở một giai đoạn nhất định. Có thể lấy ví dụ như:

- Tháng 5 năm 1948, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình ra Nghị quyết với nội dung chính là xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do, phá “xứ Mường tự trị”;

- Tháng 7 năm 1954, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Đông ra Chỉ thị về nhiệm vụ cần kíp sau giải phóng, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình và Chỉ thị của Tỉnh ủy Hà Đông còn  lưu trữ đến nay và được coi là tài liệu có giá trị trong nghiên cứu lịch sử.

Văn bản lưu trữ ở đảng bộ có những đặc thù riêng so với các nguồn sử liệu khác, có thể được ví như những nhân chứng lịch sử, vì nó được ra đời gần như đồng thời với các diễn biến lịch sử và do nhu cầu khách quan của đảng bộ. Nó tồn tại độc lập với người nghiên cứu nhưng lại có vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu.

Với tư cách là những văn bản chính thức – những văn bản có giá trị được lựa chọn từ khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động lãnh đạo của đảng bộ, tự thân văn bản ấy đã phản ánh sát đúng sự kiện, hiện tượng lịch sử. Chính vì thế, khi bắt tay nghiên cứu một văn bản nào đó, cần hiểu rõ hoàn cảnh cụ thể tạo ra nó, thấy được hoàn cảnh ấy đã tác động, chi phối như thế nào đối với nội dung của văn bản. Đồng thời, thấy được văn bản đã phản ánh hoàn cảnh ấy ở mức độ nào.

Văn bản lưu ở đảng bộ chứa đựng nhiều thông tin lịch sử giá trị, phản ánh chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, phản ánh tình hình tổ chức xây dựng Đảng và nhiều mặt chính trị, kinh tế – xã hội khác trong lịch sử…

lich su dang bo xa thach dong

Trong công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử đảng bộ, thiếu tài liệu này sẽ dẫn đến công trình thiếu những cứ liệu quan trọng, một số nội dung bị chắp vá khiên cưỡng, những lý luận và bài học kinh nghiệm từ lịch sử đôi khi chỉ được đúc kết, đánh giá chung chung. Tất nhiên, bên cạnh văn bản, kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ còn phụ thuộc vào nhiều nguồn sử liệu khác (sách, báo, hiện vật, nhân chứng sống…), vào tri thức khoa học của người nghiên cứu, biên soạn.

Chính vì sự thật lịch sử bao giờ cũng là mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ một công trình nghiên cứu lịch sử nào, cho nên vai trò quan trọng của văn bản lưu trữ ở đảng bộ được người làm công tác nghiên cứu, biên soạn thừa nhận và trân trọng. Tuy nhiên, nguồn văn bản này cũng đòi hỏi thời gian, công sức và sự nghiêm túc của các nhà nghiên cứu trong việc tổng hợp thông tin, phân tích, đối chiếu với các nguồn sử liệu khác để có được những nhận xét, đánh giá chính xác và khoa học.

Khi sử dụng văn bản, cũng cần chú ý đến việc sử dụng chú thích rõ ràng xuất xứ để tăng độ tin cậy, xác thực của tác phẩm.

Lê Quỳnh – VHV

Bài khác